Hậu quả Sự biến Cam Lộ

Sau sự biến này, Cừu Sĩ Lương, Ngưu Hoằng Chí nắm quyền kiểm soát hoàng đế và triều đình. Sáu hoạn quan bị buộc phải tự sát được trở về kinh, và Điền Toàn Thao còn muốn tiếp tục một cuộc thảm sát để giết hết các đại thần. Cả thành Trường An do vậy rơi vào náo loạn. Chỉ khi Lý Thạch cùng Trần Quân Thưởng vẫn giữ bình tĩnh và bố trí quân phòng bị các ngả, thì tình hình mới được yên.

Mùa xuân năm 836, Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[13]Lưu Tòng Gián dâng sớ với lời lẽ gay gắt, tố cáo Cừu Sĩ Lương và các hoạn quan khác. Sĩ Lương cũng sinh ra lo sợ, nên đồng ý cho Văn Tông cùng các tể tướng có thể quyết định một số việc lớn trong triều.[2] Nhưng khi Văn Tông hạ lệnh an táng cho Vương Nhai và một số đại thần tham gia chính biến thì ngay lập tức, Cừu Sĩ Lương sai quật mộ họ, ném thi thể xuống sông. Từ đó đến tận những năm cuối triều Đường, hoạn quan mỗi lúc một lộng hành và khuynh đảo triều đình, gây ra các vụ phế lập tiếp theo.